Cùng đi có đại diện của Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Quy hoạch kiến trúc Thanh Hóa, Công ty điện lực Thanh Hóa; về phía huyện Như Xuân có đồng chí Đỗ Quốc Cảnh - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện uỷ, các phòng, ban, ngành cấp huyện … cùng tham dự.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hồi - Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo huyện
kiểm tra tình hình hoạt động tại Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam
Đồ án quy hoạch chung xây dựng thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 22-6-2000, thời hạn quy hoạch đến năm 2010. Tuy nhiên, do đoạn đường Hồ Chí Minh (HCM) qua thị trấn đã có nhiều thay đổi so với quy hoạch được duyệt năm 2000, định hướng đến năm 2020 sẽ nâng cấp thành đường cao tốc với 4-6 làn xe, vận tốc thiết kế 60-80km/h, cùng với các dự án về giao thông khác như: QL45 kéo dài, đường nối tuyến Tây Thanh Hóa với Khu kinh tế Nghi Sơn…đã làm cho quy hoạch xây dựng thị trấn Yên Cát trước đây có nhiều điểm không còn phù hợp, vì vậy huyện Như Xuân đã cùng với các đơn vị liên quan rà soát đánh giá lại quá trình thực hiện quy hoạch thị trấn,đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình mới. Do tuyến đường HCM định hướng năm 2020 là đường cao tốc, nên định hướng chọn đất và chọn hướng phát triển đô thị được tiến hành nghiên cứu điều chỉnh trên các nguyên tắc phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc biệt là quỹ đất trên nền hiện hữu của đô thị. Chiến lược phát triển đô thị của huyện là xây dựng thị trấn Yên Cát trở thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế vùng; tăng cường vai trò là đầu mối giao thông, giao lưu vùng trên cơ sở khai thác lợi thế đường HCM, QL45 và mối quan hệ tương hỗ phát triển với các đô thị lân cận; tập trung nguồn lực, thu hút vốn đầu tư xây dựng các cụm động lực phát triển đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặt biệt là hệ thống giao thông kết nối mạng lưới đô thị toàn tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư cho đô thị.
Sau khi đi thực địa, kiểm tra những địa điểm dự kiến điều chỉnh quy hoạch để xây dựng nhà máy nước, chợ, siêu thị; thăm Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam tại huyện Như Xuân và nghe báo cáo, thảo luận của các đơn vị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Giao cho ngành điện đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn chỉnh việc nâng cấp đường dây 35 chậm nhất 15/6/2013 hoàn thành việc nâng cấp để đưa lưới điện hoạt động ổn định; đề nghị Bộ Công thương điều chỉnh kế hoạch xây dựng trạm 110KV giai đoạn 2016-2020 về giai đoạn 2010-2015 để đáp ứng nhu cầu dùng điện khu vực Bãi Trành, Xuân Bình; giao Công ty Điện lực Thanh Hoá, Sở Công thương, UBND huyện Như Xuân tham mưu trình UBND tỉnh văn bản đề nghị Bộ Công thương điều chỉnh quy hoạch đầu tư xây dựng trạm điện nêu trên. Yêu cầu Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam tích cực phối hợp với huyện Như Xuân trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu, thực hiện tốt các chính sách đối với người lao động, an toàn lao động tạo công ăn việc làm cho người địa phương, đảm bảo môi trường và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế nhà nước trên địa bàn theo quy định.
Đối với việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng thị trấn Yên Cát - huyện Như Xuân, yêu cầu Viện Quy hoạch kiến trúc Thanh Hóa, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện Như Xuân tiếp tục hoàn chỉnh đồ án điều chỉnh trên cơ sở bản quy hoạch đã được trình và những ý kiến góp ý bổ sung tại hội nghị để trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt./.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hồi - Phó chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực địa và nghe báo cáo điều
chỉnh quy hoạch xây dựng thị trấn Yên Cát- huyện Như Xuân đến năm 2020