Lễ hội Đền Chín Gian xã Thanh Quân

Đăng ngày 15 - 02 - 2023
100%

Sáng ngày 14/02/2023, tức ngày 24 tháng giêng Âm lịch.UBND huyện Như Xuân đã khai mạc Lễ hội Dâng trâu Tế trời tại Đền Chín Gian xã Thanh Quân. Tham dự buổi lễ có các đồng chí Lê Văn Thuận - Phó Bí thư thường trực Huyện Ủy, Đồng chí Nguyễn Đức Đồng - Phó Bí thư Huyện Ủy - Chủ tịch UBND Huyện, Các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện Ủy - Thường trực HĐND - UBND - các Ban ngành Đoàn thể huyện, Các đồng chí nguyên là lãnh đạo huyện qua các thời kỳ. Về phía Tỉnh có Bà Lê Ý Nhi - Phó Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống VH&GĐ Sở VH - TT - TT&DL, Lãnh đạo các xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Xuân Lộc, Luận Khê và Vạn Xuân huyện Thường Xuân, Lãnh đạo các xã Châu Nga, Châu Thuận, Châu Hội huyện Quỳ Châu và xã Nghĩa Hưng huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An, lãnh đạo các xã, thị trấn cùng đông đảo bà con nhân dân các dân tộc huyện Như xuân đã về dự.

       Sau lễ khai mạc đồng chí Nguyễn Đức Đồng - Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện đã đánh hồi trống Khai hội.

       Đền Chín Gian là Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh mang đậm bản sắc của đồng bào Dân tộc miền núi huyện Như Xuân. Lễ hội Dâng trâu Tế trời là Lễ hội có nguồn gốc từ xa xưa của đồng bào Dân tộc Thái vùng 6 Thanh huyện Như Xuân. Đền Chín Gian nằm trên đỉnh núi Pú Pỏm, Lễ hội là dịp để đồng bào các Dân tộc huyện Như Xuân nhớ về cội nguồn, tưởng nhớ công ơn các thế hệ cha ông đã có công tạo Bản, lập Mường, cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mang đậm bản sắc của đồng bào Dân tộc miền núi huyện Như Xuân. Đây là thiết chế văn hóa tâm linh tín ngưỡng linh thiêng của đồng bào người Thái nói riêng và đồng bào các Dân tộc huyện Như Xuân nói chung.

       Theo Truyền thuyết, Đền Chín Gian là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh trong tín ngưỡng của đồng bào Dân tộc Thái đối với Pò Phạ (Ngọc Hoàng), Náng Xỉ Đả (con gái Ngọc Hoàng) và Tạo Ló Ỳ (người có công xây Bản, lập Mường của người Thái trong cả vùng phía Tây Thanh Hóa - Nghệ An) có từ xa xưa, được dựng tại vùng người Thái Mường Chiếng Ván (hay còn gọi Đất Trịnh Vạn), Châu Thường Xuân. Đến năm 1937 được di chuyển về dựng lại trên đỉnh núi Pú Pỏm (Đồi Tròn) thuộc Mường Cháng, tổng Quân Nhân, nay thuộc thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân. Đền gồm Chín Gian, gắn với lễ dâng trâu. Phía dưới ngôi Đền là dòng suối Tốn, có bến Tá Tạo (Bến Quan), nay đã được xây dựng hệ thống thủy lợi với tên gọi Hồ Ná Hiếng.

       Tháng 4 năm 2016 Đền được khởi công tôn tạo và hoàn thành vào tháng 9 năm 2017. Ngôi Đền được phục dựng theo kiến trúc Nhà sàn của người Thái, vật liệu bằng bê tông, gồm Chín Gian trên nền của ngôi Đền cũ. Việc thờ tự các Thần linh và Chín mường vẫn như trước đây, ngoài ra trong Đền còn thờ các Anh hùng liệt sỹ nhằm tri ân công lao của những người con ưu tú của quê hương Như Xuân đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng Dân tộc, thống nhất Đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong không gian di tích, bên cạnh Đền Chín Gian còn có một số công trình tâm linh khác như Miếu thờ Thần Thổ địa, tượng Phật Quan thế âm bồ tát, nhà thờ Phật, nhà thờ Mẫu Thượng ngàn… nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của du khách thập phương theo nguyện vọng của đồng bào Thái trong vùng và Nhân dân các Dân tộc trong huyện. Thời gian tổ chức Lễ hội được diễn ra trong 3 ngày, vào các ngày 23, 24 và 25 tháng Giêng âm lịch hằng năm vẫn phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng tâm linh và điều kiện lao động sản xuất của nhân dân hiện nay.

       Theo quan niệm của người dân Chín bản Mường người Thái, thì Tạo Ló Ỳ là người đã có công khai lập ra Chín Mường, đường về Mường Phạ tức (Mường Trời) nơi ở của Then Phà và Tạo Ló Ỳ, có nhiều cửa ải, tới mỗi cửa phải cúng tế một thứ lễ vật cho các vị Thần giữ cửa mới được đi qua, vì vậy trong các ngày thứ nhất của Lễ hội, người ta chỉ cúng bằng cá, gà và lợn, sang ngày thứ hai mới tiến hành nghi thức “Hắp quái” tức Lễ “Nộp trâu”, trước khi giết trâu “ Mo chủ” dẫn tạo, ông ạp và các cụ già đồng lòng rước trâu đi tắm và tổ chức dâng trâu. Sau khi trâu được tắm và rước trở về Đền, Mo chủ cùng với mọi người, trong đó có 9 cặp trai gái trẻ đại diện cho Chín Mường cùng tham gia tế Lễ dâng trâu làm nhiệm vụ chém trâu, lúc đó mọi người đến đưa trâu đi mổ trâu, cỗ thịt trâu được đặt lên bậc sạp cao nhất của Đền. Sau lễ nộp trâu, thịt trâu được đem nấu tại chỗ cho mọi người cùng ăn, thịt ăn không hết thì bỏ lại hoặc đem thả xuống sông suối, không ai được đem phần về nhà.

       Bên cạnh phần nghi lễ được diễn ra trang nghiêm và mang tính truyền thống, Lễ hội còn tưng bừng hơn với phần Hội như hát múa Cát sa, nhảy sạp, cồng chiêng, khua luống và các trò chơi dân gian hò vè giao duyên…

       Lễ hội tổ chức thể hiện trách nhiệm và lòng thành kính của các thế hệ con cháu hôm nay, góp phần tôn vinh công đức của cha ông khai Bản, lập Mường, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của Dân tộc Thái. Lễ hội cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá tiềm năng văn hoá du lịch, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Như Xuân.

       Có thể nói, để Lễ hội Dâng trâu Tế trời Đền Chín Gian được duy trì, cần sự quan tâm của các cấp, các ngành quản lí và từng người dân. Bởi hơn ai hết, có sự quan tâm của các cấp, các ngành và người dân không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa Dân tộc mình mà để bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, khơi gợi lòng tự hào và tình yêu quê hương Đất nước. Lễ hội diễn ra trong không khí vui tươi phấn khởi thu hút sự quan tâm của người dân trong và ngoài huyện, đông đảo du khách thập phương đến tham gia./.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                           Trung tâm VH – TT – TT và Du Lịch

<

Tin mới nhất

Sẵn sàng cho Lễ khai trương Du lịch thác Đồng Quan(14/04/2024 6:20 CH)

Lễ Dâng hương tưởng niệm danh tướng Lê Phúc Thành tại di tích lịch sử văn hóa Đình Thi(05/05/2023 5:52 CH)

Độc đáo lễ Hội Đình Thi của đồng bào dân tộc Thổ huyện Như Xuân(04/05/2023 5:21 CH)

Du lịch sinh thái thác Đồng Quan, xã Hóa Quỳ thu hút trên 6.000 du khách trong dịp nghỉ lễ (02/05/2023 2:55 CH)

Sôi nổi giải bóng chuyền nam, nữ chào mừng khai trương du lịch sinh thái Thác Đồng Quan năm 2023(28/04/2023 9:21 CH)

Đêm liên hoan văn nghệ chào mừng khai trương du lịch sinh thái Thác Đồng Quan năm 2023(28/04/2023 5:40 CH)

    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    555 người đã bình chọn
    °
    2052 người đang online