Huyện Như Xuân quan tâm phát triển du lịch cộng đồng

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có về điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hóa, trong những năm gần đây, huyện Như Xuân đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào phát triển du lịch.

Huyện Như Xuân quan tâm phát triển du lịch cộng đồng

 
 
 
 
 
100%
 
 

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có về điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hóa, trong những năm gần đây, huyện Như Xuân đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào phát triển du lịch.

 

“Làng cổ” Tân Hùng, xã Thanh Phong đang được định hướng xây dựng trở thành điểm đến du lịch cộng đồng.

Huyện Như Xuân là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc anh em như Mường, Thái, Thổ, Kinh... tạo nên một bức tranh đa màu sắc về văn hóa - xã hội. Trong những năm gần đây, một số điểm du lịch đã được hình thành và đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khách du lịch như: Khu Di tích thác Đồng Quan, thác Cổng Trời (xã Hóa Quỳ); Di tích lịch sử Đình Thi (thị trấn Yên Cát)... Tuy nhiên, các hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch đang ở giai đoạn hình thành, đối tượng khách chủ yếu là khách nội tỉnh, với nhu cầu tham quan, du lịch trong ngày.

Xác định rõ tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch cộng đồng, huyện Như Xuân đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hạ tầng cơ bản, cải tạo cảnh quan tại thác Đồng Quan (xã Hóa Quỳ), thác Cổng Trời (xã Xuân Quỳ) và nhanh chóng đưa vào khai thác, phát triển thành điểm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, huyện còn quan tâm đầu tư, tôn tạo các điểm đến văn hóa tâm linh gắn với du lịch cộng đồng. Với nguồn kinh phí của địa phương và sự huy động từ nguồn lực xã hội hóa trong Nhân dân, nhiều di tích trên địa bàn đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo trở thành điểm du lịch hấp dẫn như: đền Chín Gian (xã Thanh Quân), chùa Di Lặc (thị trấn Yên Cát)... Dù mới đưa vào khai thác chưa lâu, nhưng với lợi thế đường giao thông thuận lợi, hạ tầng cơ bản nên từ khi đưa vào khai thác đến nay, mỗi năm các điểm du lịch này đã đón được gần 30 nghìn lượt khách.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, cho biết: Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, trong những năm qua, bên cạnh các nguồn vốn của trung ương, của tỉnh, huyện cũng chú trọng công tác xã hội hóa phát triển du lịch. Đồng thời, tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư vào du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa - tâm linh, làng nghề truyền thống. Mặt khác, huyện Như Xuân cũng đã đề nghị với các cấp, ngành tạo điều kiện cho huyện tiếp cận với các nguồn vốn từ chương trình đề án quốc gia về phát triển du lịch ở các huyện miền núi. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Như Xuân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Hướng tới mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản và bền vững, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Cũng trong thời gian qua, huyện Như Xuân đã phối hợp với các chuyên gia du lịch trong nước, doanh nghiệp lữ hành tổ chức các hoạt động khảo sát, tư vấn xây dựng điểm đến. Đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho các hộ kinh doanh, người dân địa phương. Gần đây nhất, tháng 10-2021, huyện Như Xuân đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch, các chuyên gia và đơn vị lữ hành tổ chức đoàn khảo sát một số địa điểm: hang Kẽm (xã Xuân Bình); làng cổ Tân Hùng (xã Thanh Phong); bến thuyền Tân Bình (xã Tân Bình)... Đây là những địa điểm có nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.

Chuyên gia nghiên cứu du lịch Ngô Kỳ Nam cho rằng, huyện Như Xuân có nhiều tiềm năng và hoàn toàn có thể xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng từ chính tiềm năng, bản sắc văn hóa của cộng đồng do các điểm đến còn khá nguyên sơ. Chính vì vậy, ngay từ ban đầu, sản phẩm du lịch cần được đầu tư một cách bài bản và quản lý quy hoạch một cách chặt chẽ, tránh làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Trước hết cần khảo sát lại các điểm đến, lập bản đồ dựa trên ưu thế vùng; khôi phục lại các nghề và làng nghề truyền thống... để góp phần hoàn thiện sản phẩm du lịch cộng đồng.

Có thể nói, sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng hiện nay khá phổ biến. Chính vì vậy, ra đời ở thời điểm “bão hòa”, huyện Như Xuân cần tìm ra nét độc đáo, huy động sự tham gia của cộng đồng, tạo nên những sản phẩm mà ở đó du khách được trải nghiệm cuộc sống hằng ngày, được thụ hưởng, cảm nhận những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. Do đó, việc xây dựng phương án giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: các trò chơi, trò diễn dân gian, nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu men lá, đan lát... Các sản phẩm ẩm thực truyền thống như: gà nướng, vịt nấu canh chua, cơm lam, canh bồi... Cùng với đó là các loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu như: khua luống, khặp Thái, múa bắt nhái, cồng chiêng, hát xường... nhằm mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách và tăng sức hấp dẫn cho du lịch địa phương.

Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử