Người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số huyện Như Xuân đi thăm quan học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong tỉnh

Trong 3 ngày 25, 26, 27 tháng 11 đoàn cán bộ người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số huyện Như Xuân đã được phòng dân tộc UBND huyện tổ chức đi thăm quan học tập kinh nghiệm ở một số địa phương trong tỉnh Thanh Hóa. Cùng đi với Đoàn có đồng chí Lê Anh Tuấn – HUV- PCT UBND huyện, Lãnh đạo, chuyên viên Phòng dân tộc UBND huyện cùng với 65 Đại biểu tiêu biểu trong cộng đồng người dân tộc thiểu số huyện Như Xuân tham gia.

Sáng ngày 25-11 Đoàn đã được đến thăm khu di tích lịch sử Lam Kinh tại huyện Thọ XuânThanh Hóa. Đây là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1962. Đến năm 2013, khu di tích này được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Tại nơi Thăm quan đoàn đã được hướng dẫn viên giới thiệu về quần thể khu di tích lịch sử Lam Kinh, Nhân vật tạo lập Lam Kinh là Lê Thái Tổ. Sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1428) đánh đuổi giặc nhà Minh và lên ngôi hoàng đế đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long), vua Thái Tổ lấy niên hiệu là Thuận Thiên thứ nhất. Đồng thời nhà vua cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh.

            Khu di tích lịch sử Lam Kinh có diện tích khoảng 200 ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên. ở hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc. Nơi đây có lăng Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng mô tả ngắn gọn, cô đọng toàn bộ sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn; Hựu lăng - Lăng vua Lê Thái Tông; Lăng Khôn Nguyên - Lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ Vua Lê Thánh Tông); Chiêu Lăng - Lăng vua Lê Thánh Tông; Dụ Lăng - Lăng vua Lê Hiến Tông; Kính Lăng - Lăng vua Lê Túc Tông; Đền Lê Lai.

            Chiều cùng ngày đoàn đã đến huyện quảng xương thăm các mô hình nuôi cá nước ngọt, cá cảnh cá giống và cá thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đoàn đã đến thăm hộ gia đình ông Nguyễn Văn Minh - Thôn Bái Trúc Thị Trấn Tân Phong huyện Quảng xương với mô hình nuôi cá giống và cá thương phẩm với diện tích 2h ao cá đều được cải tạo chuyển đổi từ đất nông nghiệp cấy lúa hàng năm sang thành ao nuôi cá mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Thăm hộ gia đình Ông Nguyễn Văn Loan cũng ở thôn Bái Trúc có diện tích 4ha ao cá, gia đình ông đầu tư nuôi cá giống và cá thương phẩm cung cấp ra thị trường mỗi năm cho thu nhập trên 450 Triệu đồng. Cũng tại thôn Bái Trúc  Đoàn đã đến Thăm gia đình ông Nguyễn Văn Chiến với diện tích trên 4ha gioa đình anh đầu tư nuôi cá giống các loại và nuôi cá Diêu Hồng mỗi năm mang lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí.

             Đến Thăm gia đình anh Lê Thiên Lâm và gia đình anh Lê Thiên Tư ở Thôn Dục Tú, Thị trấn Tân Phong, huyện Quảng xương. Đây là hai anh em trong một gia đình mặc dù còn rất trẻ  nhưng qua sự tìm hiểu cũng như dám nghĩ dám làm bản thân hai anh em đã mạnh dạn đầu tư với mô hình nuôi cá lóc thương phẩm và nuôi ốc nhồi. Gia đình anh đã đầu tư 4.000m2 để xây bể nuôi cá lóc thương phẩm, đồng thời cải tạo lại diện tích lúa chuyển đổi thành ao cá nuôi ốc nhồi, nuôi chạch thương phẩm và nuôi cá rô đầu vuông hay còn gọi là cá rô đồng. Mỗi năm cho thu nhập từ 1,4 đến 1,8 tỷ đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí, Anh đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang và sạch đẹp, hiện nay thị trường tiêu thụ cá lóc cũng như các sản phẩm chạch và ốc nhồi đều không đủ để bán ra thị trường chính vì vậy mà gia đình anh đang tiếp tục đầu tư để phát triển.

            Tại huyện Vĩnh Lộc Đoàn đã được đến thăm mô trình HTX nông nghiệp Tây đô trồng dưa Kim Hoàng Hậu, dưa lưới, và dưa chuột theo mô hình sản phẩm rau củ quả sạch tại thôn  Bái Xuân, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên HTX bình quân một năm mỗi sào cho thu nhập trên 20 triệu đồng, chính từ việc đầu tư theo mô hình HTX nông nghiệp nên hiện tại HTX đang tiếp tục mở rộng diện tích để phát triển.

            Đến Thăm Mô Hình trồng chuối tiêu Hồng trên đất 2 lúa tại xã Minh Tân với diện tích 10ha mang lại hiệu quả kinh tế cao, tại đây đoàn đã được trao đổi về kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây chuối tiêu Hồng trên đất 2 lúa, qua đó nắm bắt được tình hình hiểu được quy trình sinh trưởng và phát triển của cây chuối tiêu Hồng. Đây cũng là mô hình đã và đang mang lại thu nhập khá cao cho các hộ gia đình. Cũng tại huyện Vĩnh Lộc Đoàn đã được đến thăm khu du lịch sinh thái Vĩnh An và Thăm động Tiên sơn. Khi Đặt chân vào cửa động, cảm giác ngạc nhiên dành cho du khách đó là vẻ đẹp huyền bí của những phiến đá, tượng Phật, biểu tượng linh thiêng của văn hóa Á Đông vào động, du khách sẽ được tận hưởng một cảm giác mát mẻ, thư thái đến kỳ lạ cùng với sự xuất hiện của “Hang tình yêu” – nơi nam thanh nữ tú ngồi trò chuyện, tâm tình. Càng đi sâu vào trong động, ta như đang lạc vào cõi tiên trước sự hòa quyện giữa đất và trời Động Tiên Sơn với Thiên Cung, Thủy Cung, Động Tiên Ông đã mang đến vẻ đẹp lung linh huyền ảo khiến du khách không khỏi ngây ngất và lưu luyến khi bước chân ra khỏi động.

            Ngày 27-11 Đoàn đã được các đồng chí Lãnh đạo Ban Dân Tộc miền núi tỉnh Thanh Hóa đón tiếp và cung cấp một số thông tin về tình hình KT VH XH của khu vục miền núi nói chung và tình hình đồng bào dân tộc thiểu số Thanh Hóa nói riêng.

            Phát biểu tại buổi tiếp Đoàn, đồng chí Phó Trưởng ban Dân tộc Tỉnh Thanh Hóa Tạ Hồng Hải đã thông tin đến Đoàn người có uy tín một số vấn đề về: Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2020 của tỉnh; Sơ lược về vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Sơ lược về cơ quan Ban Dân tộc tỉnh, lịch sử hình thành, thành tích cao nhất mà cơ quan đã đạt được, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức …; Định hướng công tác dân tộc thời kỳ mới; Đặc biệt Đoàn người có uy tín vui mừng, phấn khởi khi đón nhận thông tin về Quốc hội đã thông qua Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đề xuất tích hợp các chính sách thành Chương trình Mục tiêu quốc gia. Chính sách khi được triển khai sẽ là cơ hội mới cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, điều đó khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng chí Phó Trưởng ban Dân tộc mong muốn đội ngũ người có uy tín huyện Như Xuân luôn tin tưởng, tiếp tục ủng hộ và thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là cầu nối tích cực giữa Đảng, chính quyền với người dân, xứng đáng với lòng tin yêu của người dân và sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước. Nhân dịp này Ban dân tộc miền núi tỉnh thanh hóa đã trao quà cho các đại biểu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Như Xuân./.

                                                                                                   Trung tâm VH – TT – TT và Du Lich