Những đổi thay từ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên quê hương Như Xuân

Năm 2019 là dấu mốc đáng nhớ của toàn thể cán bộ và nhân dân huyện nhà, chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ huyện Như Xuân. Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, sự đoàn kết một lòng của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện, diện mạo của một vùng đất Như Xuân với nhiều khó khăn, thiếu thốn đã từng bước được đổi thay.

        Khi mới thành lập và chia tách, huyện nhà gặp nhiều khó khăn: kinh tế ở điểm xuất phát thấp, địa hình chia cắt, nhất là đường giao thông không thuận lợi đến nhiều xã, trường học và các công trình thiết yếu khác thiếu thốn, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, hệ thống chính trị ở cơ sở có có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Sau 70 năm, Đảng bộ và nhân dân huyện Như Xuân đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết quả quan trọng.

        Đảng bộ huyện đã phát huy nội lực, trí tuệ tập thể, xác định những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội mà trọng tâm tập trung vào chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

        Nhận thức đúng ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm cho chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn ngày càng vững mạnh. Đến các xã vào thời điểm này, có thể cảm nhận rõ những đổi thay. Những tuyến đường thôn xóm, liên xã đã và đang được nâng cấp. Các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố, khuôn viên nhà cửa được chỉnh trang xanh- sạch- đẹp. Con em trong xã phấn khởi đến trường trong những phòng học đầy đủ cơ sở vật chất… Phong trào xây dựng nông thôn mới đã mang đến luồng sinh khí mới cho Như Xuân, mang đến niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, cả về vật chất lẫn tinh thần.

         Kết quả đạt được trong phong trào xây dựng nông thôn mới đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt trên địa bàn 6 xã chuẩn nông thôn mới đạt được những bước tiến quan trọng.

        Có được những kết quả như ngày hôm nay chính là nhờ sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà. Trước tiên phải khẳng định, các khâu chỉ đạo, kế hoạch triển khai được thực hiện khá bài bản, nghiêm túc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực, vai trò của cộng đồng từ khâu quy hoạch, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới. Phát huy dân chủ, bàn bạc trong nhân dân, lựa chọn các hạng mục ưu tiên để đầu tư, không dàn trải. Nếu như trước đây, việc vận động nhân dân tham gia đóng góp để nâng cấp một số tuyến đường giao thông nông thôn mang tính chất đơn lẻ, gặp khó khăn thì từ khi xây dựng nông thôn mới, nhờ phát huy dân chủ rộng rãi, mọi việc của xóm, xã có liên quan đến nhân dân đều được công khai để nhân dân bàn bạc, quyết định.

        Sau 10 năm (giai đoạn 2010- 2020) triển khai thực hiện, kinh tế huyện nhà tăng trưởng với tốc độ nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8,2 triệu (năm 2010) lên 27,5 triệu đồng/người/năm (năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50,3% xuống còn 14,92% theo tiêu chí nghèo đa chiều. Đến nay, toàn huyện đã đạt bình quân 14,35 tiêu chí/xã (tăng 11,65 tiêu chí/xã so với năm 2011); đã và đang xây mới 16 công sở xã; 17 Trung tâm, hội trường nhà văn hóa xã; 01 nhà thi đấu đa năng, 03 sân vận động; đã bê tông hóa, nhựa trên 250km đường giao thông; làm mới, nâng cấp, cải tạo 15 hồ đập, 25 phòng học, 75 nhà văn hóa thôn, trên 6000 nhà ở dân cư và nhiều công trình hạ tầng khác. Vận động nhân dân hiến tặng hơn 40ha đất và tài sản trên đất; đến nay có 04 xã (Bãi Trành, Xuân Quỳ, Yên Lễ, Hóa Quỳ) và 62 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đang thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận 02 xã Cát Vân và Xuân Bình đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019. Tổng giá trị huy động nguồn lực đến nay đạt 2.561,56 tỷ đồng, trong đó: giá trị nguồn lực huy động từ nhân dân là trên 529,07 tỷ đồng, chiếm 20,6% tổng giá trị huy động.

        Cùng với việc phát động các phong trào trên, những năm qua huyện Như Xuân đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng thôn mới như Chính sách phát triển chăn nuôi; Chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn; Chính sách hỗ trợ cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu; Chính sách hỗ trợ trồng Cam; Chính sách hỗ trợ khôi phục và phát triển giống vịt bầu Thanh Quân; Chính sách hỗ trợ xi măng để làm đường giao thông nông thôn; Chính sách thưởng các xã, thôn đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đạt nông thôn mới nâng cao, các thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu; Chính sách hỗ trợ trồng cao su; Chính sách thu hút bác sỹ; Chính sách đầu tư giáo dục mũi nhọn… Từ việc ban hành các cơ chế chính sách trên cùng với công tác lãnh, đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, dự đồng lòng tham gia, hưởng người của từng hộ dân nên bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm trên 17%, số trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện tăng cao, chất lượng tổng đàn gia súc, chất lượng rừng trồng ngày càng tốt hơn; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực, các cây trồng có giá trị kinh tế cao từng bước thay thế các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp, các cây trồng đặc sản như Cam, Bưởi diễn, táo đại, Thanh Long ruột đỏ được thay thế các cây trồng có giá trị thấp tại các vườn tạp hộ gia đình.

        Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã được áp dụng rộng rãi trên địa bàn như phong trào trồng cây ăn quả áp dụng tưới nhỏ giọt công nghệ Israel; Phong trào sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới; Phong trào chăn nuôi lợn quy mô lớn, khép kín gia công cho CP; Phong trào chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học; Phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu… việc phát huy tốt các phong trào sản xuất ứng dụng khoa học và công nghệ cao đã nâng giá trị sản xuất ngành trồng trọt từ 21 triệu đồng/ha/năm (Năm 2011) lên 48 triệu đồng/ha/năm ( Năm 2019), giá trị sản xuất chăn nuôi tăng từ 45,83 tỷ đồng năm 2011 lên 305,5 tỷ đồng năm 2019.

        Tiếp nối những thành quả đạt được, trong thời gian tới, Như Xuân sẽ tiếp tục phát triển thành quả của xây dựng nông thôn mới, xem xây dựng nông thôn mới là chương trình công tác trọng tâm trong giai đoạn 2018 – 2020; Tiếp tục xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để đưa các tiêu chí đạt chất lượng và mức độ cao hơn, bền vững hơn. Tập trung phát triển sản xuất, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường công tác vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự hưởng ứng tích cực của người dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới.

        Để chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai đồng bộ, rộng khắp và mang lại lợi ích thiết thực, tiếp tục cần sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân trong toàn huyện, ra sức thi đua phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng diện mạo nông thôn Như Xuân ngày một khang trang, giàu đẹp.

Phạm Văn Tuấn, HUV, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện