Hiệu quả từ các mô hình kinh tế trang trại, gia trại ở Như Xuân

Trong những năm gần đây, việc phát triển kinh tế hộ bằng các mô hình trang trại, gia trại đã và đang trở thành hướng đi bền vững trong xóa đói giảm nghèo ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Như Xuân. Có được điều đó bởi lẽ người dân nhận thức rõ ngoài việc sản xuất nông nghiệp thuần túy, muốn phát triển kinh tế, làm giàu thì phải phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng hàng hóa.

 
       Để các mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; phối hợp với các cấp, các nghành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân... Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con; ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi, sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, doanh thu từ các mô hình bình quân đạt từ 150 - 300 triệu đồng/năm. Việc phát triển các mô hình kinh tế trên không những giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn thúc đẩy ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển theo hướng bền vững. 
       Tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế tại xã Cát Vân, chúng tôi được biết: hiện nay toàn xã có 45 trang trại, gia trại. Trong đó có 7 trạng trại và 38 gia trại. Mức thu nhập bình quân của các trang trại và gia trại là từ 100 triệu đồng/năm. Không chỉ phát triển theo quy mô hộ gia đình mà nhiều nông dân đã dám nghĩ, dám làm, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và vận động nguồn lực từ gia đình để tập trung đầu tư lớn hơn vào kinh tế trang trại, nên trang trại chăn nuôi tổng hợp của các hộ gia đình trong xã Cát Vân đã đi vào ổn định và ngày càng phát triển. Đến nay, toàn xã đã có 149 hộ đạt danh hiệu gia đình sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, nhiều điển hình nông dân dám nghĩ, dám làm, phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, như hộ ông Hoàng Văn Tuấn ở thôn Vân Tiến với 64 ha đồi rừng, trong đó có 1ha ao hồ nuôi các loại cá truyền thống, 1ha trồng Thanh Long ruột đỏ, 2 ha trồng ổi, táo, bưởi da xanh, 1ha mía ép, trên 40 ha cây keo lai, 38 con bò, 35 con dê... thu nhập bình quân đạt trên 300 triệu đồng trên năm; mô hình phát triển kinh tế của bà Lê Thị Kiều - thôn Vân Thành, hiện nay gia đình có trên 10 ha keo và cao su, 20 con bò, trên 30 con dê, 10 con lợn cỏ 0,5 ha ao thả cá thu nhập bình quân trên 150 triều đồng; Hộ gia đình ông Lê  Văn Đấu – thôn Vân Thọ, có 26 con bò, 2 ha cây cao su, 1,5 ha trồng cỏ chăn nuôi bò... thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.
       Có thể nói, mô hình kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn huyện Như Xuân đã và đang dần được khẳng định với những mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả, năng suất, lợi nhuận cao cho người dân. Đến nay trên địa bàn huyện Như Xuân có hàng trăm mô hình trang trại, gia trại lớn nhỏ, các mô hình này đều phát huy được hiệu quả. Để phát huy tốt hiệu quả những mô hình này cấp ủy, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm sâu sắc hơn nữa. Trong đó việc khuyến khích và hỗ trợ nhân rộng các mô hình điển hình sẽ tạo tiền đề trong mục tiêu phát triển kinh tế của huyện một cách bền vững.

                                                                                              (Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện)