Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
518 người đã bình chọn
978 người đang online

Tạo động lực để người dân thoát nghèo

Đăng ngày 24 - 09 - 2020
100%

Để sớm thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và Chương trình 30a của Chính phủ, xã Xuân Bình (Như Xuân) đã khắc phục những hạn chế, khó khăn, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, kết hợp lồng ghép thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo, tạo động lực để họ từng bước vươn lên thoát nghèo.

Hưởng lợi từ các chương trình, dự án là cơ sở để hộ ông Lê Văn Vẹn vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trước đây, gia đình ông Hoàng Văn Tiến ở thôn Mít thuộc diện hộ nghèo, 5 khẩu ăn ở, sinh hoạt trong căn nhà thưng vách chật hẹp, lợp fibro xi măng. Năm 2019 được hỗ trợ 30 triệu đồng kết hợp vay mượn, gia đình ông xây dựng được căn nhà mới khang trang với tổng số tiền 280 triệu đồng. Ông Tiến chia sẻ: Nếu không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương thì chưa biết đến khi nào gia đình tôi mới làm được căn nhà tử tế để ở. Được hỗ trợ làm nhà, đào tạo nghề và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản chính là động lực để các thành viên trong gia đình tôi phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Là hộ nghèo “có thâm niên”, năm 2017 ông Lê Văn Vẹn ở thôn 7 được hưởng lợi từ chính sách giảm nghèo thuộc Chương trình 135. Theo đó, ông cùng 19 hộ nghèo, cận nghèo khác được tham gia dự án nuôi bò sinh sản, gia đình ông được nhận 1 con bò. Ông bàn với vợ vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội mua thêm 2 con bò để chăn nuôi. Do được tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc nên đàn bò phát triển khỏe mạnh, nay đã nhân đàn lên 5 con. Nhận thấy cuộc sống đỡ khó khăn hơn, năm 2019 ông đã làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2016-2020, từ nguồn kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo và lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, xã Xuân Bình đã thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, nâng cao nhận thức, năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở về công tác giảm nghèo. Đồng thời, tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, tham gia các lớp đào tạo nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... Do được triển khai thực hiện đồng bộ, làm tốt ngay từ khâu tuyên truyền, phổ biến, nhất là việc thực hiện nghiêm túc các quy định từ việc rà soát hộ nghèo đến triển khai dân chủ, minh bạch các chính sách, dự án được đầu tư và hỗ trợ kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo... đã tạo động lực, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người nghèo.

Song song với thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, xã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí nông thôn mới như: giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt... Mặt khác, xã tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của chương trình, tăng thu nhập nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trịnh Xuân Sơn, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình, cho biết: Những nội dung của Chương tình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đối với một xã đặc biệt khó khăn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Xuân Bình đã mang lại hiệu quả rất lớn. Xã đã xóa được 102 nhà tạm bợ với số tiền 1,16 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 700 triệu tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo; bình xét cho 292 hộ nghèo được hưởng các chính sách thuộc Chương trình 135, Chương trình 30a mua trâu, bò và dê dự án với tổng số tiền hỗ trợ của Nhà nước gần 1,4 tỷ đồng. Mạng di động, internet được phủ sóng toàn xã; tỷ lệ dân số được phủ sóng phát thanh, truyền hình đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 65,35%. Về kết cấu hạ tầng, đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn được cứng hóa đạt 100%. Hệ thống trường học, trạm y tế, điện lưới quốc gia, thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang. Qua công tác tuyên truyền, người dân đã thay đổi tập quán canh tác, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học – kỹ thuật, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, tiêu biểu là các mô hình nuôi trâu, bò, dê, trồng rừng... Từ đó, đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 31,7% năm 2016 xuống còn 3,91% năm 2019.

Cũng theo ông Sơn, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và quan trọng hơn là sự nỗ lực, ý thức vươn lên từ chính các hộ nghèo, cận nghèo kết hợp việc thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững mà tháng 12-2019 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020 này xã Xuân Bình đang hoàn thiện các thủ tục để đề nghị Chính phủ khen thưởng vì có thành tích trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

                                                                                                                               Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử

<

Tin mới nhất

Chi đoàn cơ quan UBND huyện tham gia tình nguyện tại xã Thanh Phong(27/03/2024 5:46 CH)

Như Xuân sôi nổi ngày hội Tiến bước lên Đoàn năm 2024(27/03/2024 5:37 CH)

Cơ quan Đảng - Đoàn thể giao lưu bóng chuyền hơi nam - nữ chào mừng 93 ngày thành lập Đoàn(26/03/2024 7:39 CH)

Lãnh đạo huyện thăm, chúc mừng Huyện đoàn nhân ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3.(26/03/2024 9:41 SA)

Trường mầm non Thanh Xuân với những bữa ăn bán trú dinh dưỡng cho trẻ tại trường(26/03/2024 9:23 SA)

Lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa I năm 2024 tham gia lao động cộng sản tại thôn 3 xã Bãi Trành(26/03/2024 9:03 SA)

    °