Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
518 người đã bình chọn
312 người đang online

Như Xuân đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất

Đăng ngày 12 - 03 - 2020
100%

Qua 15 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về việc “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, huyện Như Xuân đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

        Sau 15 năm tổ chức thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đã quán triệt đầy đủ nội dung tinh thần và cụ thể hóa nội dung của Chỉ thị thành những kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực và tổ chức thực hiện đạt kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và đảm bảo đời sống nhân dân.

        Đối với giống lúa: Đã phối hợp với các ngành cấp tỉnh đưa vào khảo nghiệm được nhiều bộ giống có năng suất, chất lượng đưa vào sản xuất; đồng thời khuyến khích người dân sử dụng các loại giống có nguồn gốc rõ ràng, kháng hoặc ít nhiễm sâu bệnh, sử dụng giống xác nhận, giống lai có năng suất cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Theo đó, đã thực hiện khảo nghiệm, chọn dòng và chọn được Bộ giống lúa chất lượng cao: TH 3-3; TH3 -4, TEJ vàng,... du nhập và sử sử dụng rộng rãi các giống lúa năng suất, chất lượng cao như: TBR279, Bắc Thịnh, TBR225, TBR45, Nhị ưu 986, GS9, GS55, Nhị ưu 838, C.Ưu đa hệ số 1, Thanh ưu 4, TH3-7, Nhị ưu 86B, S9368, 27P31, PHB71, ...vào sản xuất. Các giống đưa vào sản xuất là giống xác nhận, giống tiến bộ kỹ thuật, được nghiên cứu khảo nghiệm từ 3 vụ trở lên, nhờ đó năng suất lúa bình quân tăng, góp phần tích cực vào việc hoàn thành chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực của huyện liên tục nhiều năm. Mô hình sản xuất lúa bằng biện pháp “3 giảm 3 tăng” đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất lúa,i giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.

        Đối với cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày: Việc ứng dụng các giống cây ăn quả cấy ghép, nuôi cấy mô như: cam Xã Đoài, cam Đường Canh, cam V2, Bưởi Diễn, bưởi Da Xanh, táo, ổi Đài Loan, cải tạo vườn vải, nhãn kém hiệu quả bằng phương pháp ghép... đã góp quan trong cải tạo vườn tạp, xây dựng vùng cây ăn quả chất lượng cao của huyện, bước đầu đã được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đối với cây cao su, từ năm 2005-2013 đã du nhập và đưa vào sử dụng các giống PB235, PB260, RRim600, góp phần tăng năng suất cây cao su trên địa bàn huyện.

        Đối với giống vật nuôi: Thực hiện có hiệu quả chương trình cải tạo đàn bò bằng công tác thụ tinh nhân tạo, sử dụng tinh bò đực giống Zebu, thụ tinh nhân tạo với bò cái vàng địa phương, đưa tỷ lệ đàn bò lai chiếm gần 35% so với tổng đàn; hàng năm, du nhập từ 15-20 trâu đực có tầm vóc lớn vào cải tạo đàn trâu địa phương. Vì vậy, đã góp phần quan trọng vào việc tăng sản lượng, sản phẩm ngành chăn nuôi đại gia súc. Thực hiện thành công chương trình nạc hóa đàn lợn, đưa giống mới thuần ngoại như Landrace, Yorkshire vào nuôi thích nghi tại địa bàn huyện, để làm tươi máu các dòng lợn cũ, đưa tỷ lệ lợn lai trên tổng đàn chiếm 80%, rút ngắn chu kỳ nuôi từ 6-7 tháng, xuống 3-4 tháng, tăng năng suất và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi; tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn tập trung, chăn nuôi gia công, công nghiệp để nâng cao hiệu quả chăn nuôi trên địa bàn, hiện nay trên địa bàn đã có ... trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi (Làm hầm biogas, đệm lọt sinh học để xử lý phân...). Đồng thời, đã chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả nhiều giống gia cầm có năng suất chất lượng tốt vào thực tiễn sản xuất như: gà Lương Phượng, gà Lai chọi, gà Mía, gà Lạc Thủy, khôi phục vịt bầu Thanh Quân, vịt Cổ Lũng...và áp dụng triệt để chế phẩm sinh học để làm đệm lọt sinh học góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả chăn nuôi gia cầm.

        Ngành Y tế sử dụng hiệu quả nhiều loại vaccine trong đó có các loại vaccine sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng phòng, chống bệnh trẻ em: bệnh bại liệt, uốn ván trẻ sơ sinh, bạch hầu, ho gà, sởi, thuỷ đậu, rubella, quai bị, viêm gan siêu vi…; đã tiếp cận sử dụng một số loại vaccine thế hệ mới: viêm não nhật bản, viêm gan siêu vi B, bệnh dại. Sử dụng các men vi khuẩn sống trong điều trị loạn khuẩn đường ruột. Ứng dụng phản ứng gắn kết men trong chẩn đoán một số bệnh virut: viêm gan siêu vi B, HIV. Ứng dụng các KIT chẩn đoán và thiết bị sinh hóa máu phục vụ chẩn đoán bệnh kịp thời.

        Về ứng dụng công nghệ sinh học trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã ứng dụng công nghệ kỵ khí, biogas và chế phẩm Balasa để xử lý chất thải, nước thải trong quá trình sản xuất ở các hộ dân, trang trại chăn nuôi; ứng dụng công nghệ Biogas kết hợp với hệ thống hồ sinh học để xử lý nước thải chế biến của Công ty TNHH Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Như Xuân, các nhà máy chế biến gỗ MDF sử dụng phương pháp hồ sinh học. Bệnh viện Đa khoa huyện sử dụng công nghệ thiết bị hợp khối Biofast, công nghệ vi sinh vật bám để xử lý nước thải bệnh viện. Nhìn chung, việc triển khai công nghệ khí sinh học bằng các mô hình hầm khí biogas ngoài việc bảo vệ môi trường, còn sử dụng năng lượng tái tạo từ khí đốt từ Biogas phục vụ sản xuất và đời sống; giúp giảm lượng tồn dư hóa chất trong môi trường.

        Ngành chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến cả về cơ cấu, chất lượng đàn cũng như những thay đổi tập quán chăn nuôi nhờ áp dụng công nghệ nhân giống bò lai sind, cải tạo chất lượng đàn trâu bằng biện pháp du nhập đàn trâu, bò đực giống, thụ tinh nhân tạo; du nhập giống lợn siêu nạc, lai tạo, nhân giống gia cầm bản địa chất lượng tốt, đồng thời ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Việc triển khai ứng dụng công nghệ sinh học đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân từ lạc hậu, thủ công thay đổi dần bằng tập quán canh tác hiện đại, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ khí sinh học (Biogas), chế phẩm Balasa để xử lý ô nhiễm môi trường và sản xuất khí gas, ứng dụng công nghệ phân hủy sinh học kỵ khí (UASB) để bảo vệ môi trường, tận dụng nguồn khí metan trong quá trình xử lý nước thải sản xuất tinh bột sắn làm nhiên liệu sấy tinh bột. Trong lĩnh vực y tế, sử dụng công nghệ Biofast làm sạch nước thải bằng phương pháp sục ôzone kết hợp với men vi sinh...

        Việc triển khai ứng dụng công nghệ sinh học đã góp phần hạn chế dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dập dịch, tiêu độc khử trùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Từng bước nâng cao tính ổn định, giảm dần tính phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất (giá cố định năm 2010) bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 17,3%, vượt 0,3% mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII đề ra. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 7.479,7 tỷ đồng, vượt 21,04%, gấp 2,2 lần năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 31 triệu đồng, tăng gần 2 lần năm 2015, vượt mục tiêu nghị quyết; năng suất một số cây trồng chính tăng như lúa tăng từ 41 tạ/ha năm 2005 lên 56 tạ/ha năm 2019; sắn tăng từ 15 tấn/ha năm 2005 lên 20 tấn/ha năm 2019…

        Về chuyển đổi có cấu kinh tế, sản xuất: Nhờ ứng dụng công nghệ sinh học cơ cấu kinh tế, sản xuất đã có bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp: Trong nội ngành trồng trọt, giá trị sản xuất của các loại cây trồng có tính chất áp dụng công nghệ sinh học tăng như: lúa lai, lúa chất lượng cao, giống sắn KM94, HL - S14, giống mía chất lượng cao, giống cây ăn quả ghép (hiện nay gần như toàn bộ giống cây ăn quả được sử dụng trên địa bàn là giống chiết, ghép, giống nuôi cấy mô), giống keo lai, keo nuôi cấy mô. Phương thức tiến hành sản xuất  chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ từ tự cung, tự cấp sang sản xuất tập trung, bước đầu hình thành các khu vực, trang trại sản xuất hàng hóa tập trung có áp dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong đó có công nghệ sinh học. Trong chăn nuôi, cơ cấu giá trị sản xuất chăn nuôi có áp dụng công nghệ sinh học cũng ngày càng chiếm tỷ trọng lớn như: giá trị chăn nuôi trong các hộ gia đình, trang trại có áp dụng các biện pháp tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phân, nền chuồng, giống lai tạo tăng chiếm tới 80% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Trong lâm nghiệp, các giống keo lai, keo nuôi cấy mô chiếm trên 70% diện tích rừng trồng.

        Để đạt được các mục tiêu và thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy đảng, các ngành, các cấp và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống, trong đó ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường. 

        Triển khai thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn theo nội dung Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghệ sinh học đến năm 2030; Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND, ngày 07/12/2017 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Quyết định số 2023/QĐ-UBND ngày 13/6/2016 của UBND tỉnh về phê duyệt đề án phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020 và các nghị quyết, cơ chế, chính sách của tỉnh trong những năm tiếp theo.

        Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các cơ chế hỗ trợ áp dụng công nghệ sinh học để phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường như: cơ chế hỗ trợ cải tạo tầm vóc đàn trâu, bò, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết số 07/NQ của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và chính sách hỗ trợ xây dựng hầm Biogas; cơ chế hỗ trợ Hợp tác xã sản xuất giống keo lai, keo nuôi cấy mô để trồng rừng gỗ lớn; hỗ trợ nông dân sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để nâng cao hiệu quả chăn nuôi và bảo vệ môi trường. Vận dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất để ưu tiên hỗ trợ du nhập các loại giống cây, con, sử dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản.

<

Tin mới nhất

Thanh Phong đẩy mạnh công tác tuyên truyền xuất khẩu lao động.(28/03/2024 2:13 CH)

Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?(28/03/2024 9:48 SA)

Hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất, lan tỏa thông điệp "Tiết kiệm điện - Thành thói quen"(24/03/2024 2:41 CH)

Tối nay diễn ra sự kiện Giờ Trái đất 2024, kêu gọi người dân tắt đèn trong 1 tiếng(23/03/2024 3:40 CH)

Gương thanh niên Nguyễn Đình Sơn xã Tân Bình vượt khó vươn lên phát triển kinh tế từ mô hình tổng...(22/03/2024 2:12 CH)

Tấm gương phụ nữ vượt khó thoát nghèo(08/03/2024 8:00 SA)

    °