Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
524 người đã bình chọn
366 người đang online

Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Như Xuân

Đăng ngày 26 - 08 - 2019
100%

Sáng 24-8, tại Trung tâm Hội nghị huyện, Huyện ủy Như Xuân long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện (25/8/1949 – 25/8/2019). Đồng chí Dương Văn Mạnh - Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện đã có bài diễn văn ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của Đảng bộ huyện trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Cổng Thông tin điện tử huyện Như Xuân trân trọng đăng toàn văn bài diễn văn này!

Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng

Kính thưa các đồng chí nguyên là lãnh đạo huyện qua các thời kỳ

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

Thưa toàn thể các đồng chí và nhân dân trong huyện!

Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tám lịch sử, cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 74 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; hôm nay, Đảng bộ huyện Như Xuân long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập 25/8/1949 – 25/8/2019. Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, lãnh đạo các huyện bạn, các đồng chí lãnh đạo huyện qua các thời kỳ, Mẹ Việt Nam anh hùng, cùng toàn thể quý vị đại biểu, khách quý lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

 Tại buổi lễ trọng thể này, với niềm xúc động và biết ơn vô hạn, chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, cách mạng và nhân dân. Chúng ta tưởng nhớ các Mẹ Việt Nam anh hùng đã khuất, các anh hùng liệt sỹ, đồng chí, đồng bào đã trọn đời cống hiến, hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và trân trọng gửi đến các gia đình có công với nước, các thương binh, bệnh binh, các thế hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong huyện đã đóng góp cho sự phát triển của Đảng bộ và của huyện Như Xuân suốt 70 năm qua lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Kính thưa các vị đại biểu!

Thưa toàn thể các đồng chí!

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện là dịp để cùng nhau ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang nhưng vô cùng khó khăn, gian khổ và rất đỗi tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện; hiểu thêm về lịch sử cách mạng, sự cống hiến của lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên trong huyện để có được  Như Xuân như ngày hôm nay; chúng ta nguyện đoàn kết một lòng, ra sức thi đua, xây dựng huyện phát triển bền vững trong thời gian tới.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Sự ra đời của Đảng là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối cứu nước; mở đầu thời đại mới trong lịch sử dân tộc - thời đại giai cấp công nhân và Đảng tiên phong đứng ở vị trí trung tâm, tập hợp lực lượng, đoàn kết thống nhất toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh chiến thắng các đế quốc xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, ngày 29/7/1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá chính thức được thành lập, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh Thanh Hóa.

Là vùng đất có truyền thống lịch sử, nền văn hóa đặc sắc, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; trải qua quá trình lịch sử, nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân luôn đoàn kết, gắn bó, cần cù, sáng tạo trong lao động, kiên cường, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, phong trào cách mạng của huyện ngày càng được củng cố vững chắc; lực lượng tự vệ chiến đấu phát triển ở nhiều nơi trong huyện, các xưởng rèn đúc vũ khí ra đời, nhiều cơ sở cách mạng được thành lập và đi vào hoạt động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần tích cực cùng cả tỉnh, cả nước Tổng khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 10 năm 1945, Ủy ban lâm thời huyện Như Xuân được ổn định về tổ chức và bắt đầu điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội theo thể thức chính quyền dân chủ nhân dân. Trong khi chính quyền non trẻ của huyện đang tập trung chỉ đạo nhân dân khắc phục hậu quả nặng nề do chế độ thực dân, phong kiến để lại, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, thì chủ nghĩa đế quốc cấu kết với các thế lực phản động trong nước âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Ở trong huyện, nạn đói, nạn mù chữ đe dọa, các lang đạo tranh thủ thời cơ để củng cố địa vị nhằm duy trì luật lệ phong kiến lạc hậu…Trước tình thế hiểm nghèo đó, nhân dân Như Xuân đã kiên quyết đứng lên chống thù trong giặc ngoài, diệt “giặc đói, giặc dốt”, bảo vệ chính quyền cách mạng, đồng thời chuẩn bị lực lượng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Kính thưa các vị đại biểu!

Thưa toàn thể các đồng chí!

Được chọn làm địa bàn xây dựng An toàn khu của Khu ủy Liên khu 4, Như Xuân trở thành nơi đóng quân của các cơ quan hành chính, các đơn vị bộ đội, công binh xưởng. Để bảo vệ tuyệt đối bí mật cho An toàn khu, nhân dân các dân tộc trong huyện sẵn sàng hi sinh, đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến; lực lượng vũ trang ngày đêm tuần tra canh gác, kịp thời phát hiện và trừng trị bọn Việt gian phản động, bảo vệ An toàn khu – Trung tâm chỉ đạo kháng chiến kiến quốc của quân dân các tỉnh Liên khu 4, đồng thời tạo dựng được địa bàn vững chắc cho chiến lược quan trọng của cuộc kháng chiến chống Pháp trên địa bàn toàn tỉnh.

Sự lớn mạnh không ngừng của phong trào cách mạng ở huyện Như Xuân đã đặt ra yêu cầu khách quan phải có sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng. Trước tình hình đó, đầu tháng 8 năm 1948, Tỉnh ủy đã tăng cường cho Như Xuân một đoàn cán bộ dân vận, do đồng chí Nguyễn Xuân Liêm phụ trách, nhằm tổ chức và củng cố lại các đoàn thể quần chúng. Cũng trong thời gian này, đồng chí Mai Xuân Đình và đồng chí Đỗ Kế Sức, hai người con ưu tú của quê hương Như Xuân, qua quá trình rèn luyện và được Khu ủy giáo dục, giúp đỡ, kết nạp vào Đảng, đây là 2 đảng viên đầu tiên của huyện Như Xuân; chuẩn bị cho sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên của Huyện Như Xuân vào tháng 8 năm 1948. Trong thời gian chưa đầy 1 năm, nhiều con em ưu tú của huyện vinh dự được kết nạp Đảng, 5 tổ đảng liên xã ở Như Xuân đã ra đời, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi bộ huyện; đã đóng góp xứng đáng, chuẩn bị mọi điều kiện về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng bộ huyện Như Xuân.

Ngày 25 tháng 8 năm 1949, được sự thống nhất của Tỉnh ủy, Khu ủy và Ban cán sự miền Tây, Chi bộ Như Xuân đã triệu tập Đại hội đảng viên toàn huyện tại doanh trại của An toàn khu ở thôn Đồng Ớt, xã Yên Cát (nay là xã Hóa Quỳ). Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 5 đồng chí, đồng chí Nguyên Xuân Liêm được cử làm Bí thư Huyện ủy. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất là sự kiện chính trị đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ huyện Như Xuân, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhân dân các dân tộc trong huyện. Đảng bộ huyện Như Xuân ra đời là kết tinh truyền thống yêu nước, là mốc son lịch sử, bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng huyện nhà, đánh dấu bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng của phong trào cách mạng ở địa phương; là kết quả tất yếu của cuộc vận động cách mạng trên địa bàn huyện suốt 19 năm (từ năm 1930 đến năm 1949). Từ đây, nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân đã có Đảng bộ trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Đảng bộ huyện ra đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cam go, ác liệt. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ Nhất, nhân dân các dân tộc trong huyện đã hăng hái thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao năng suất lao động; phong trào thành lập tổ đổi công, vần công phát triển mạnh, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến như: trồng khoai lang năng suất cao ở xã Quảng Dạ (nay là xã Xuân Bình), nuôi vịt bầu ở xã Mậu Lâm (nay thuộc huyện Như Thanh), áp dụng kỹ thuật sản xuất ở xã Yên Cát… Như Xuân đã đóng góp cho Nhà nước hàng nghìn tấn lúa khao quân, thuế nông nghiệp, được tỉnh khen ngợi và thường xuyên được báo cáo điển hình tại các hội nghị của tỉnh về thành tích huy động lương thực. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; phong trào xóa nạn mù chữ, bình dân học vụ đã giúp cho hàng nghìn người biết đọc, biết viết. Lực lượng vũ trang huyện được biên chế, sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu, quân số được bổ sung; tăng cường huấn luyện, tuần tra, canh gác bảo vệ cơ quan Nhà nước, trừng trị bọn Việt gian, phản động; mặc dù bị địch đánh phá ác liệt nhưng lực lượng vũ trang và nhân dân đã bảo vệ an toàn Lò Cao kháng chiến Hải Vân (nay là huyện Như Thanh) - một cơ sở sản xuất vũ khí đầu tiên của đất nước đặt tại huyện nhà.

Để đáp ứng yêu cầu của các mặt trận, nhân dân Như Xuân đã cùng với cả tỉnh chi viện đắc lực cho tiền tuyến. Hàng nghìn dân công đã vượt núi cao, rừng sâu vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ bộ đội trong các chiến dịch; hàng nghìn con em đã lên đường tòng quân chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc, nhiều đồng chí đã anh dũng hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Cùng với việc làm tốt nhiệm vụ xây dựng hậu phương, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến và củng cố lực lượng cách mạng, Đảng bộ đã chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể. Từ 40 đảng viên và 05 chi bộ khi thành lập, đến năm 1950, Đảng bộ có 100 đảng viên với 14 chi bộ cơ sở. Cán bộ, đảng viên được phân công giữ các cương vị chủ chốt luôn gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

            Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cách mạng Việt Nam tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Từ năm 1958 đến năm 1975, Đảng bộ huyện đã tiến hành 8 kỳ đại hội (từ Đại hội II đến Đại hội IX), từng bước thực hiện mục tiêu cải tạo XHCN và kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế tập thể ngày càng phát triển; đến năm 1963, toàn huyện xây dựng được 172 hợp tác xã, thu hút 96% số hộ nông dân. Phong trào “Ba ngọn cờ hồng” tạo ra khí thế thi đua mới giúp năng suất lao động tăng cao, nhiều lá cờ đầu xuất hiện như: xã Bình Lương, xã Yên Lễ,... Sự nghiệp giáo dục, y tế có bước phát triển, năm 1960, Như Xuân được công nhận thanh toán nạn mù chữ.

            Từ năm 1965, do thất bại ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã leo thang đánh phá Miền Bắc hòng cắt đứt nguồn chi viện của hậu phương cho Miền Nam, trong đó Như Xuân là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt. Trước tình hình đó, Đảng bộ huyện đã chủ trương chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến, tổ chức chiến tranh nhân dân, lãnh đạo công tác phòng không sơ tán, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trên các tuyến đường chiến lược từ Bắc vào Nam như: 15A, 15B, đường 10 những ngày này là mặt trận nóng bỏng, ác liệt; song, với quyết tâm trong bất kỳ tình huống nào, giao thông vận tải và thông tin liên lạc phải được giữ vững và thông suốt, nhân dân Như Xuân đã không quản gian khổ, hy sinh bảo vệ thành công từng mét đường, từng cây cầu, đánh trả, bắn rơi máy bay Mỹ, cứu người, cứu hàng, cứu xe, đảm bảo cho việc vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men…vào Nam kịp thời. Nhiều chiến công của quân và dân Như Xuân đã gắn liền với các địa danh như: Dốc Bò Lăn, Dốc Đỏ, cầu Sông Xanh, cầu Luống Đồng, cầu Sà Manh, ngã ba Chòm Lúng… những địa danh đó không chỉ đi vào lịch sử Đảng bộ huyện Như Xuân mà còn mãi đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng được cả tỉnh, cả nước biết đến. Cùng với đó, quân và dân trong huyện đã góp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, hàng vạn mét khối gỗ, hàng triệu cây tre, luồng phục vụ chiến đấu và đảm bảo giao thông; huy động hơn một vạn thanh niên tham gia bộ đội, thanh niên xung phong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc.

            Sau 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, toàn huyện có 1.546 người con đã anh dũng hi sinh, 1.463 gia đình liệt sỹ, trong đó có 84 gia đình có từ 02 liệt sỹ trở lên, 946 thương binh, bệnh binh đã anh dũng chiến đấu, mất đi một phần xương máu của mình tại các chiến trường, bị nhiễm chất độc hóa học; cùng với hàng nghìn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần xứng đáng cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đưa non sông thu về một mối, cả nước đi lên CNXH.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể các đồng chí!

            Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài và ác liệt suốt 21 năm, quân và dân Như Xuân cùng cả tỉnh, cả nước lại bước vào 2 cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước ở 2 đầu Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Với thắng lợi 2 cuộc chiến tranh biên giới, nhân dân ta càng chứng minh cho nhân loại lòng khát khao cháy bỏng, tinh thần quật cường để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

            Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tháng 12 năm 1986 đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Tại các kỳ Đại hội trong giai đoạn từ 1986-1996, Đảng bộ huyện đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm là: Ổn định và phát triển sản xuất theo hướng ưu tiên sản xuất lương thực, hàng tiêu dùng và xuất khẩu, phát triển lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; kết hợp phát triển kinh tế - văn hóa với quốc phòng, an ninh; chuyển mạnh từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường.

            Trước yêu cầu khách quan và thực hiện Nghị định số 72/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 01/01/1997 huyện Như Xuân được chia tách thành 02 huyện là Như Xuân và Như Thanh. Ngay sau khi chia tách, Đảng bộ huyện đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, ổn định chính trị, tập trung lãnh đạo khắc phục khó khăn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, từng bước thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất nước.

            Tròn 70 năm với 22 kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện đã đề ra các chủ trương, nghị quyết để lãnh đạo phong trào cách mạng phù hợp với thực tiễn địa phương, đưa Như Xuân đi lên và ngày một phát triển vững chắc. Lần lượt qua các kỳ Đại hội, các đồng chí: Nguyễn Xuân Liêm, Nguyễn Trọng Thản, Lê Hữu Thúy, Nguyễn Đình Bàng, Lê Văn Dị, Vi Quốc Thành, Ngân Văn Lân, Lê Văn Nhàn, Lô Thị Luân, Lê Thanh Hải, Đỗ Quốc Cảnh, Dương Văn Mạnh được bầu làm Bí thư Huyện ủy.

            Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ huyện luôn xác định: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; lấy đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thoát nghèo bền vững làm mục tiêu phát triển. Trên cơ sở đó, Đảng bộ huyện đã đề ra nhiều nghị quyết, giải pháp phù hợp để phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của huyện, tranh thủ thời cơ, vận hội, sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, tập trung lãnh đạo một số nhiệm vụ trọng tâm đó là: Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ có lợi thế; từng bước xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng; thực hiện hiệu quả, sáng tạo chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung giảm nghèo bền vững; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Như Xuân từ một huyện nghèo, khó khăn đã từng bước phát triển và đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Đảng bộ và nhân dân Như Xuân đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, nhất trí, không ngừng đổi mới, lãnh đạo nhân dân trong huyện vượt qua khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất luôn ở mức cao, giai đoạn 2015 - 2018 đạt 17,02%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ chiếm hơn 74%; sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển từ phương thức sản xuất tự túc, tự cấp, khai thác tự nhiên sang chế biến và sản xuất hàng hóa; tiềm năng đất đai, tài nguyên được phát huy có hiệu quả; nhiều tiến bộ khoa học kĩ thuật được triển khai áp dụng, góp phần quan trọng nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình, dự án, huyện đã chủ động nghiên cứu và ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy nền nông nghiệp Như Xuân phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, như: Nghị quyết số 03-NQ/HU về cải tạo vườn tạp, Nghị quyết số 07-NQ/HU về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, chính sách phát triển cây cam, Đề án trồng rừng gỗ lớn... Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được khẳng định và đang được triển khai nhân rộng như: thâm canh mía, sắn cao sản, cam, ổi, bưởi, dưa hấu; toàn huyện có gần 900 ha cây ăn quả, trong đó có 260 ha cây ăn quả tập trung; thương hiệu cam, ổi, bưởi và một số sản phẩm đặc sản của Như Xuân đang dần khẳng định được giá trị, chất lượng trên thị trường. Thế mạnh chăn nuôi của huyện đang được quan tâm phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung liên kết với các doanh nghiệp, đặc biệt là trang trại chăn nuôi gà thả vườn, nuôi lợn gia công, lợn nái sinh sản quy mô lớn; hiện nay toàn huyện có hơn 270 trang trại, gia trại, hằng năm cho lợi nhuận hàng tỷ đồng. Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục phát huy thế mạnh, tổng diện tích rừng trồng hiện nay đạt gần 23.000 ha, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 68,86%. Từ một huyện thường xuyên thiếu lương thực, đến nay hằng năm sản lượng lương thực luôn đạt trên 26.000 tấn, đảm bảo an ninh lương thực; thu nhập bình quân đầu người đạt 27,5 triệu đồng, tăng 10,3 triệu đồng so với năm 2015.

Chương trình nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo quyết liệt với cách làm sáng tạo, hiệu quả - là điểm sáng nổi bật trong các phong trào của huyện thời gian qua. Thực hiện Ngày Nông thôn mới, huyện đã phân công cán bộ, công chức các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc giúp đỡ các xã, các thôn thực hiện cải tạo vườn tạp, vệ sinh môi trường.... Nhân dân đã đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, hàng chục tỷ đồng, hiến tặng hàng nghìn m2 đất để làm đường, xây trường học và nhà văn hóa thôn. Nhiều nếp nhà, nhiều ngôi trường mới, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang; những con đường bê tông rộng rãi đã vươn xa đến tận các thôn, đến từng ngõ xóm. Phong trào xây dựng đường điện chiếu sáng công cộng, làm đường hoa, chỉnh trang công sở, xây dựng hố rác, công trình vệ sinh... được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng, tham gia tích cực. Trung bình hằng năm các xã tăng thêm từ 1 đến 2 tiêu chí mới, đến nay đạt 14,29 tiêu chí/xã, tăng 5,12 tiêu chí so với năm 2015; đã có 4 xã và 70 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

- Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng được quan tâm phát triển, các nhà máy như: Nhà máy Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân, nhà máy gỗ Thành Nam, Trường Sơn cùng với nhà máy đường Nông Cống, Lam Sơn đã tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các nông, lâm sản của huyện, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ gia đình. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là giao thông nông thôn, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi...có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển trước mắt cũng như lâu dài của huyện, góp phần quyết định cải thiện bộ mặt nông thôn.

- Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, đặc biệt là khu vực thị trấn và dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh. Mạng lưới chợ trung tâm và chợ nông thôn, siêu thị được phát triển; hạ tầng kỹ thuật bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay toàn huyện có 110 doanh nghiệp, hợp tác xã và 2.326 hộ kinh doanh cá thể. Thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2015 – 2018, trung bình hằng năm đạt trên 60 tỷ đồng, tỷ lệ tăng thu ngân sách hàng năm đạt 18,3%.

- Văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn bề sâu; hằng năm có trên 70% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa; các tập tục lạc hậu được đẩy lùi, truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Hệ thống thông tin, liên lạc, điện được bao phủ đến 100% hộ gia đình, thôn bản. Tiềm năng du lịch được quan tâm khai thác, đến nay đã có 5 di tích, danh thắng được công nhận là di tích, danh thắng cấp tỉnh; điểm du lịch Đền Chín gian, Thác Cổng Trời, Thác Đồng Quan đã thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan. Giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, đã có 54,7% tổng số trường học đạt chuẩn Quốc gia; kết quả phổ cập giáo dục ngày càng được giữ vững và nâng cao về chất lượng; giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tốt; tỷ lệ học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu nhân dân có nhiều tiến bộ, đến nay 100% các trạm y tế có bác sỹ, đã có 14/18 xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.

Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội luôn được Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 37,36% năm 2015 xuống còn 14,92% năm 2018, bình quân giảm 7,48%/năm; ngày 07/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 275/QĐ-TTg công nhận Như Xuân ra khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Đây là kết quả, là dấu mốc quan trọng, là niềm tự hào của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân.

- Quốc phòng – an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc; phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, các chương tình quốc gia phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh, góp phần giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt quan tâm và tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên. Đảng bộ luôn đề cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã chọn; tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, đất nước. Tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn đảng, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thực đến hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự tin tưởng, đoàn kết, thống nhất trong Đảng, niềm tin trong nhân dân. 100% số chi bộ nông thôn đã bố trí đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, tổ dân phố. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm cả về số lượng và chất lượng; không còn điểm trống chi bộ, điểm trắng đảng viên, tất cả các thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị đều có tổ chức Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, từ chỗ chỉ có 05 chi bộ với 40 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện đã có 42 đảng bộ, chi bộ trực thuộc, 238 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở với 4.469 đảng viên. Trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt cả về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Đảng bộ huyện đã đề ra nhiều giải pháp, đề án để lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội luôn làm tốt công tác vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố và tăng cường; khối đại đoàn kết toàn toàn dân được củng cố vững chắc.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Như Xuân vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Toàn huyện có 03 xã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 37 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, có 02 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 12 tập thể và 14 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba và hàng trăm tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh khen thưởng. Đặc biệt, năm 2014, nhân dân và cán bộ huyện Như Xuân đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện vững bước tiếp tục phấn đấu vươn lên trong giai đoạn mới.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể các đồng chí!

Đạt được những thành quả như ngày hôm nay, trước hết là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo giúp đỡ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố... đối với huyện Như Xuân trong quá trình đấu tranh cách mạng trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ngày nay. Đặc biệt là do công sức đóng góp của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện, sự cống hiến lớn lao của các anh hùng liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước; sự đóng góp quan trọng của các đồng chí lãnh đạo huyện, các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện qua các thời kỳ.

Thực tiễn của cách mạng huyện nhà trong suốt 70 năm qua đã chứng minh sự lãnh đạo của Ðảng bộ là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thành tựu và kết quả đã đạt được; đồng thời, chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng bộ huyện được tôi luyện, không ngừng trưởng thành, tích lũy thêm kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân các dân tộc trong huyện.

Tại buổi lễ trọng thể này, thay mặt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh; các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, giúp đỡ, hỗ trợ cho huyện cả về vật chất và tinh thần. Xin trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn của các đồng chí lãnh đạo huyện qua các thời kỳ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các gia đình có công, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện bằng tình cảm quý trọng và lòng biết ơn sâu sắc nhất.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể các đồng chí!

Những kết quả đạt được của Đảng bộ sau 70 năm là rất đáng trân trọng và tự hào. Song, những kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, sự hi sinh, công lao đóng góp to lớn của các thế hệ cha ông đi trước, chưa đáp ứng được niềm mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân. Như Xuân tuy đã ra khỏi huyện nghèo nhưng đời sống của nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; kinh tế phát triển nhưng chưa bền vững; trình độ dân trí giữa các vùng chưa đồng đều, đời sống văn hóa ở khu dân cư còn những mặt hạn chế; chất lượng một số cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là những vấn đề đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền cần phải tập trung khắc phục một cách hiệu quả, để tạo thế và lực cho quá trình phát triển cao hơn ở những năm tiếp theo.

Phát huy truyền thống 70 năm qua, trong thời gian tới Đảng bộ huyện xác định phải tiếp tục đổi mới, nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa để vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh; tranh thủ thời cơ, vận hội mới, huy động tối đa nguồn lực để phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung nâng cao tốc độ, chất lượng tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu của huyện. Chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Huy động tốt các nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, du lịch, phát huy lợi thế tuyến đường Hồ Chí Minh, đường ngang Bãi Trành nối với cảng Nghi Sơn nhằm nâng cao tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thương mại trong cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều việc làm có thu nhập cao cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc, các di tích lịch sử, văn hóa; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, khuyến khích nhân dân giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội. Tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung xây dựng tổ chức Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng cán bộ, đảng viên. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, tăng cường, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, thưa các đồng chí!

Nhiệm vụ của Đảng bộ huyện Như Xuân trong thời gian tới là rất nặng nề, còn nhiều khó khăn, thách thức; song, với bề dày truyền thống, với những kinh nghiệm quý báu được rút ra từ thực tiễn cách mạng; với sự quan tâm lãnh đạo, ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh và các địa phương, đơn vị bạn; với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chúng ta tin tưởng rằng Như Xuân sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong tương lai, góp phần cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020 và trở thành tỉnh kiểu mẫu như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.

Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Xin kính chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý và toàn thể các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!

<

Tin mới nhất

Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về Tăng...(23/04/2024 11:01 SA)

UBND huyện tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2024(22/04/2024 6:16 CH)

Huyện Như Xuân thăm, gặp mặt huyện Nghĩa Đàn ( Nghệ An)(18/04/2024 7:27 CH)

Hội nghị tổng kết thực hiện Cuộc vận động hỗ trợ nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông và phát...(16/04/2024 6:11 CH)

Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam huyện Như Xuân lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp(16/04/2024 6:10 CH)

Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, chung tay, góp sức, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ gia đình...(16/04/2024 8:08 SA)

    °